Công nghệ tế bào

Công nghệ tế bào là một bộ phận quan trọng của công nghệ sinh học, chủ yếu nghiên cứu các quá trình nuôi cấy tế bào động-thực vật và vi sinh vật để sản xuất sinh khối, sản xuất các hợp chất có hoạt tính sinh học (enzyme, vaccine, các chất thứ cấp…), để làm mô hình thực nghiệm khảo sát các tác động của hoá chất, làm nguyên liệu ghép tế bào và cơ quan… Mặc dù, các kỹ thuật nuôi cấy tế bào chỉ được phát triển vào nửa đầu thế kỷ 20, nhưng đến nay các ứng dụng của chúng đã có những bước tiến vượt bậc nhờ sự đóng góp của công nghệ DNA tái tổ hợp. Bên cạnh các giáo trình như: sinh học phân tử, nhập môn công nghệ sinh học, công nghệ DNA tái tổ hợp, công nghệ chuyển gen… giáo trình công nghệ tế bào sẽ giúp sinh viên tiếp cận thêm một lĩnh vực khác của công nghệ sinh học thông qua việc cung cấp những kiến thức cơ bản về các vấn đề sau: - Sinh trưởng và động học sinh trưởng của tế bào. - Thiết kế các hệ lên men. - Nuôi cấy tế bào và các ứng dụng của chúng. Giáo trình công nghệ tế bào được biên soạn theo hướng khảo sát một quá trình sinh học mang tính công nghệ nhiều hơn cả đó là quá trình lên men ứng dụng cho cả tế bào vi sinh vật, lẫn tế bào động-thực vật trong các thiết bị nuôi cấy (bioreactor/fermenter). Do đó, một số ứng dụng khác của các kỹ thuật nuôi cấy mô và tế bào nói chung chúng tôi không đưa vào giáo trình này. Lĩnh vực công nghệ tế bào rất rộng và đa dạng, hơn nữa giáo trình này mới được xuất bản lần đầu tiên nên khó tránh khỏi thiếu sót hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu bạn đọc. Vì thế, chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp để lần xuất bản sau được hoàn thiện hơn.

Tác giả

2

.Chương 1

Mở đầu
I. Công nghệ sinh học Đến nay có rất nhiều định nghĩa và cách diễn đạt khác nhau về công nghệ sinh học tùy theo từng tác giả và tổ chức. Tuy nhiên, công nghệ sinh học (biotechnology) có thể được định nghĩa một cách tổng quát như sau: “Công nghệ sinh học là các quá trình sản xuất ở quy mô công nghiệp mà nhân tố tham gia trực tiếp và quyết định là các tế bào sống (vi sinh vật, thực vật và động vật). Mỗi tế bào sống của cơ thể sinh vật hoạt động trong lĩnh vực sản xuất này được xem như một lò phản ứng nhỏ”. Nếu công nghệ sinh học được định nghĩa theo hướng trên thì nó không thể được thừa nhận là một lĩnh vực khoa học mới. Bởi vì, từ xa xưa loài người đã biết sử dụng các vi sinh vật để lên men bánh mì và thực phẩm, cho dù họ không biết cơ chế của những biến đổi sinh học này là như thế nào. Loài người cũng đã biết từ rất lâu việc lai tạo động vật và thực vật để cải thiện năng suất vật nuôi và cây trồng được tốt hơn. Vì thế, công nghệ sinh học được định nghĩa như trên được xem như công nghệ sinh học truyền thống. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thuật ngữ công nghệ sinh học thường được sử dụng nhằm đề cập đến những kỹ thuật mới như DNA tái tổ hợp và dung hợp tế bào, và được xem là lĩnh vực công nghệ sinh học hiện đại.

1. Công nghệ DNA tái tổ hợp (DNA recombinant technology) Là những kỹ thuật cho phép thao tác trực tiếp nguyên liệu di truyền của các tế bào riêng biệt, có thể được sử dụng để phát triển các vi sinh vật sản xuất các sản phẩm mới cũng như các cơ thể hữu ích khác. Những kỹ thuật này còn được gọi là kỹ thuật di truyền (genetic engineering), công nghệ di truyền (genetic technology), thao tác gen (gene manipulation), kỹ thuật gen (gene engineering) hay công nghệ gen (gene technology)... Mục tiêu chính của công nghệ DNA tái tổ hợp là gắn một gen ngoại lai (foreign gene) mã hóa cho một sản phẩm mong muốn vào trong các dạng DNA mạch vòng (plasmid vector) và sau đó đưa chúng vào trong một cơ thể vật chủ, sao cho gen ngoại lai có thể biểu hiện để sản xuất sản phẩm của nó từ cơ thể này.

2. Dung hợp tế bào (cell fusion) Là quá trình hình thành một tế bào lai đơn (single hybrid cell) với nhân và tế bào chất từ hai loại tế bào riêng biệt để tổ hợp các đặc điểm mong muốn của cả hai loại tế bào này. Chẳng hạn, các tế bào đặc biệt của hệ thống miễn dịch có thể sản xuất ra các kháng thể hữu ích. Tuy nhiên, các tế bà